Trường Trung cấp nghề Diên Khánh tham dự Hội thi thiết bị đào tạo tự làm tỉnh Khánh Hòa lần thứ VI năm 2022
Thực hiện Kế hoạch số 42/KH-SLĐTBXH ngày 30/5/2022, từ ngày 13/6/2022 đến ngày 17/6/2022, Trường Trung cấp nghề Diên Khánh tham dự Hội thi thiết bị đào tạo tự làm tỉnh Khánh Hòa lần thứ VI năm 2022 do Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Khánh Hòa tổ chức.
Chiều ngày 17/6/2022, Ông Tạ Hồng Quang – Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã đến dự và trao Giấy khen cho các tác giả, nhóm tác giả có thiết bị dự thi đạt thành tích xuất sắc. Tham dự Lễ bế mạc còn có lãnh đạo các phòng chuyên môn thuộc Sở; Các thành viên Ban tổ chức; Hội đồng giám khảo Hội thi; lãnh đạo và nhà giáo các trường Cao đẳng, Trung cấp trên địa bàn tỉnh và các tác giả có thiết bị tham gia Hội thi.
Đại diện Trường Trung cấp nghề Diên Khánh tham gia Hội thi lần này có thầy Huỳnh Hào Kiệt – Phó Trưởng Khoa Kỹ thuật-Công nghệ với tên thiết bị: Mô hình hệ thống lạnh ghép tầng. Nhóm nghề đào tạo: Kỹ thuật điện, điện tử và viễn thông.
Trong quá trình dạy học tại Trường Trung cấp nghề Diên Khánh – nghề Kỹ thuật máy lạnh và Điều hòa không khí, xưởng thực hành hiện nay chỉ có các mô hình, thiết bị cấp đông sử dụng chu trình lạnh 1 cấp, 2 cấp với khả năng làm lạnh không sâu (gần -20oC), các mô hình cồng kềnh và tiêu tốn nhiều công suất điện, quá trình vận hành phức tạp và chưa đa dạng hóa các chu trình lạnh trong thực tế, khiến người học chưa hình dung về các loại chu trình lạnh khác. Để đáp ứng cho nhu cầu dạy học đồng thời khắc phục được các nhược điểm của mô hình hiện tại nên mô hình được lên ý tưởng từ đây
Theo đánh giá của ban tổ chức Hội thi, thiết bị dạt hiệu quả cao trong ứng dụng dạy học với các ưu điểm: Có tính trực quan, sinh động cao để cho người học dễ hiểu bài và tạo được hứng thú trong quá trình học. Có thể hoạt động trong thời gian dài để phục vụ thí nghiệm. Hệ thống có thể được dàn trải giúp người học quan sát rõ ràng trong quá trình học. Làm lạnh nhanh, nhiệt độ âm sâu (-40 độ C). Được sử dụng để khảo sát, thí nghiệm, thực hành ở nhiều môn học khác nhau.
Khi mô hình hoạt động ổn định, học sinh có thể sử dụng các thiết bị đo như Ampe kẹp, nhiệt kế … đo đạc các thông số và có thể nhận biết vẽ lại sơ đồ hệ thống lạnh theo từng chu trình lạnh và ghép lại với nhau thành chu trình lạnh ghép tầng hoàn chỉnh.
Học sinh thực hiện được thao tác vận hành từng thiết bị trên mô hình theo các thông số kỹ thuật. Thực hiện được thí nghiệm lập bảng so sánh hiệu quả làm lạnh giữa chu trình 1 cấp và chu trình lạnh ghép tầng thông qua việc đo đạt thông số nhiệt độ gió vào – ra các dàn trao đổi nhiệt, thông số nhiệt độ làm lạnh, thông số công suất tiêu thụ điện năng … Thực hiện được thao tác điều chỉnh năng suất làm lạnh thông qua van tiết lưu. Từ đó, phân tích được ưu nhược điểm của chu trình lạnh ghép tầng trong thực tế.
Ngoài ra, học sinh có thể thực hành các bài tập nạp gas ở các chu trình khác nhau, có thể tháo gỡ và lặp đặt lại mạch điện để hiểu rõ hơn khả năng tự động hóa trong mô hình và rèn luyện kỹ năng lắp ráp mạch điện phục vụ cho môn học Trang bị điện hoặc có thể nâng cấp mạch điện điều khiển làm lạnh thông qua Dixell, Arduino …
Người viết bài: Văn Thị Bảo Trân
Ngày nhận bài: 17/6/2022
Ngày duyệt đăng: 21/6/2022